Xem tin tuc mới

Phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến 2020.

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009




Phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến 2020. QD1956TTG.PDF
Cập nhật ngày: 01/12/2009


Ngày 27/11/2009, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Theo đề án, từ nay đến năm 2020 bình quân mỗi năm sẽ đào tạo cho hơn 1 triệu lao động nông thôn( LĐNT), trong đó, đào tạo và bồi dưỡng cho 100.000 cán bộ và công chức xã. Để từ đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, để tăng thu nhập lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Song song với việc đào tạo nghề để án cũng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã có bản lĩnh chính tri, vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chẩt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý hành chính , quản lý điều hành kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.Theo dự tính thì tổng kinh phí thực hiện Đề án vào khoảng 25.980 tỷ đồng.


Đối tượng của Đề án LĐNT trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong đó ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất canh tác... Cán bộ chuyên trách tại xã có độ tuổi phù hợp với quy hoạch cán bộ đến năm 2015 và 2020 cũng là đối tượng của Đề án nói trên.
LĐNT thuộc đối tượng của Đề án được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học. Ngoài ra còn được hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/ngày/thực học/người; tiền đi lại tối đa mức 200.000 đồng/người/khóa đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên. LĐNT thuộc diện có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo được hỗ trợ mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học. Tương tự như vậy, LĐNT làm việc ổn định ở nông thôn sau khi học nghề được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay học nghề.
Mỗi LĐNT chỉ được hỗ trợ học nghề 1 lần theo chính sách. Riêng những người học nghề theo chính sách này mà mất việc do nguyên nhân khách quan thì được xem xét hỗ trợ học nghề chuyển đổi nhưng không quá 3 lần.
Đối với giảng viên, giáo viên dạy nghề, nếu thường xuyên xuống thực địa giảng dạy trên 15 ngày trong tháng sẽ được hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương tối thiểu chung.
Theo như Đề án, 61 huyện nghèo sẽ được đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề cho trung tâm dạy nghề. Trong đó 30 huyện có tỷ lệ hộ nghèo từ 30-50% mới thành lập trung tâm dạy nghề từ năm 2009 sẽ có mức đầu tư tối đa 12,5 tỷ/trung tâm: 74 huyện miền núi, biên giới, hải đảo mới thành lập trung tâm dạy nghề năm 2009 được hỗ trợ đầu tư xưởng thực hành, ký túc xá, ô tô bán tải, thuyền máy... mức đầu tư tối đa là 9 tỷ đồng/trung tâm. Mức hỗ trợ 5 tỷ đồng/trung tâm dành cho 116 huyện đồng bằng mới thành lập trung tâm dạy nghề năm 2009. Các trung tâm dạy nghề công lập huyện được đầu tư giai đoạn 2006-2009 nhưng chưa đáp ứng yêu cầu được hỗ trợ 3 tỷ đồng/trung tâm và 100 trung tâm giáo dục thường xuyên ở những huyện chưa có trung tâm dạy nghề được hỗ trợ 1 tỷ đồng/trung tâm.
Đề án được chia làm 3 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn đầu từ năm 2009-2010, tiếp tục dạy nghề cho khoảng 800.000 LĐNT và thí điểm các mô hình dạy nghề cho LĐNT với khoảng 18.000 người, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề theo các mô hình này tối thiểu đạt 80%; giai đoạn 2011-2015, tiếp tục đào tạo nghề cho khoảng 5,2 triệu LĐNT và đào tạo, bồi dưỡng công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ cho khoảng 500.000 lượt cán bộ, công chức xã; đề án sẽ đào tạo nghề cho 6 triệu LĐNT vào giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề ở giai đoạn này tối thiểu đạt 80%.
Để Đề án có thể sớm thực hiện trong thực tế, có 5 giải pháp chính được đưa ra: Nâng cao nhận thức về vai trò của đào tạo nghề đối với việc tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn; phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo; phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý; phát triển chương trình, giáo trình, học liệu và tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án ở các cấp hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lên đầu trang