Xem tin tuc mới

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2009
Bài pháp này nhắc nhở các bạn về một số vấn điều Phật dạy, như một cách để sách tân, khuyến khích các bạn chăm chỉ thực hành đúng theo lời Phật. Những lời dạy đó được gọi là pháp. Pháp để trang nghiêm tâm. Pháp cũng là phương tiện để phát triển các chức năng của tâm. Bài pháp này dựa trên Patimokkha (Giới bổn), nói về những bổn phận mà các vị Tăng sĩ xuất gia phải tuân giữ, nhưng chúng cũng áp dụng cho hàng cư sĩ. Cư sĩ tại gia có thể tu tập, gìn giữ các giới luật này để rèn luyện thành người tốt hơn, để có thể trở thành tai, mắt, chân, tay trong việc gìn giữ đạo pháp, giúp đạo pháp phát triển.





Những giới luật này, áp dụng cho tất cả mọi người, có thể chia làm các phần chính như sau:

 

Thứ nhất

Đừng tìm lỗi người khác. Có nghĩa là đừng nói xấu về người khác, đừng xuyên tạc, đừng nói điều gì gây chia rẽ. Đừng nói sao trái về người khác, hay khuyến khích người khác làm điều ấy. Đừng trách móc, la mắng nhau. Thay vì tìm lỗi người, ta hãy tự thấy lỗi mình. Đó là giới luật. Dầu là hàng tu sĩ hay cư sĩ đều có thể gìn giữ theo giới luật này ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.

Thứ hai

Đừng ghét bỏ lẫn nhau. Thường khi chung sống, không phải mọi người đều cư xử giống nhau. Có người biết cách cư xử khéo léo, người khác lại cư xử thô lỗ – chứ không phải là do ác ý, hãy nhớ điều đó. Về thể chất cũng thế, có người siêng năng, đầy sinh lực; kẻ khác thì yếu đuối, hay bệnh hoạn. Về lời nói thì có người khéo léo, người không. Người nói nhiều, kẻ lại rất kiệm lời; kẻ thì ba hoa đủ chuyện trên trời dưới đất, người chỉ thích bàn chuyện Phật pháp; kẻ thì thường nói sai, người hay nói đúng. Đó được coi là sự không tương ưng. Khi điều này xảy ra, tất nhiên sẽ có những mâu thuẫn, xung đột ở một mức độ nào đó. Nếu có những điều này xảy ra trong đại chúng, khi cùng sống trong pháp, chúng ta không nên để tâm. Chúng ta cần tha thứ cho nhau, cần rửa sạch những tì vết ra khỏi tâm ta. Vì sao? Vì nếu không, ta sẽ trở thành ganh tỵ, soi mói, thù hằn nhau. Hành động tha thứ được coi là quà tặng của tâm từ. Nó khiến ta không chấp giữ điều chi, không canh cánh bên lòng điều gì, không bị gây phiền não – đó là những người không mang trong lòng thù hằn. Dầu đôi khi có sai trái, có lầm lỗi, chúng ta vẫn tha thứ cho nhau. Chúng ta cần nên có lòng thương yêu, tử tế, cảm thông với tất cả mọi người quanh ta, càng nhiều càng tốt. Đó là một phần trong quá trình tu tập làm người Phật tử, dù ở tại gia hay chốn thiền môn.

Thứ ba

Hành động như thế nào để giúp ta đến gần cửa vào Niết bàn hơn. Hãy ngồi gần đồ ăn để được ăn. Đừng ngồi xa quá, ta sẽ khó ăn được. Ngồi đủ gần để sự giải thoát ở trong tầm tay, để ta có thể với tới thực phẩm. Nói cách khác, bất cứ hành động gì giúp ta đến gần hơn với đạo pháp, thì ta cần phải hành động như thế. Gần với đạo pháp có nghĩa là đi theo con đường đạo. Người cư sĩ cũng có con đường đạo của mình, giống như hàng xuất gia có con đường đạo của họ.

Tuy nhiên người cư sĩ có thể thực hành con đường đạo của họ theo hai cách. Cách đầu tiên là giữ gìn năm giới: không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm – đây là điều giúp chúng ta sống đạo đức, không nói dối và không sử dụng chất làm say. Đó là một cách sống đưa ta đến gần với Niết bàn. Cách sống đạo thứ hai đối với người cư sĩ là giữ Tám giới luật.

Còn đối với Sa di và các vị Tỳ kheo thì phải giữ 10 hay 227 giới luật (theo Phật giáo Nam truyền). Ngoài ra, họ cũng không được bỏ qua bất cứ hành động tốt lành nào mà họ có thể làm được. Đừng đi ra ngoài những giới luật đó, làm tổn hại chúng bản thân mình. Nói cách khác, đừng để thân, lời nói hay ý của mình phạm vào các giới luật đó. Đừng thân cận với kẻ ác, những người hành động không kiềm chế. Đừng nghe theo những người không có phẩm hạnh. Đừng để tâm vướng bận vì họ. Hãy nghĩ đến những thiện hữu, những người mà hành động hợp với những điều tốt đẹp mà ta đang muốn phát triển. Đó là con đường đạo. Bất cứ ai hành động như thế được gọi là đã sống theo Giới bổn, gần ngay cửa Niết bàn.



Thứ tư

Ăn uống điều độ. Ở đây chúng ta chỉ nói đến thực phẩm vật chất. Có ba cách ăn uống thông thường. Trước hết là tham ăn. Dầu bụng đã no, nhưng tâm còn đói. Miệng đã no, không thể nuốt trôi nữa, nhưng tâm vẫn muốn ăn nữa. Đó được gọi là tham ăn. Đừng để tánh tham ăn làm chủ bạn.

Cách thứ hai là ăn uống một cách tự tại. Bạn nhận lãnh những gì có trong bát của mình, và không ăn gì ở ngoài bình bát. Hay bạn chỉ ăn những gì có trước mặt, trong tầm tay. Không đòi hỏi những gì ở xa tầm tay. Không biểu lộ bằng cử chỉ, bằng mắt, hay bằng nét mặt rằng bạn muốn ăn thêm nữa. Chỉ ăn những gì trong đĩa, hay trong bát của bạn. Đó được gọi là ăn uống một cách tự tại.

Cách thứ ba là ăn uống tiết độ. Đó là một cách ăn uống nền nếp, tốt đẹp trong đạo và cả ngoài đời. Một ví dụ điển hình là Đại đức Sivali. Sư luôn ăn uống tiết độ. Sư thường nhận được rất nhiều vật phẩm cúng dường. Sư có nhiều vật dụng nhờ sự tiết độ. Đại đức Sivali đã làm như thế này. Khi được cúng dường vải vóc, sư không hề mặc những vải vóc đó, mà đem tặng cho người khác. Khi được cúng dường thực phẩm, sư cũng không dùng chúng, cho đến khi có thể cúng dường lại cho ai đó. Bất cứ bốn vật dụng nào mà sư được nhận – thực phẩm, quần áo, chỗ ở, thuốc men, không kể ít hay nhiều – một khi đã thuộc sở hữu, sư sẽ không sử dụng cho đến khi chia sẻ chúng với những người chung quanh. Khi nhận nhiều, sư chia sẻ với nhiều người. Khi nhận ít, sư vẫn cố gắng chia sẻ. Kết quả đem đến cho sư bao điều lợi ích. Thân hữu yêu mến, các chúng quý trọng, ân cần với sư. Đó là lý do tại sao người ta nói rằng sự rộng rãi kết nối thân hữu, và xóa bỏ hạn thù. Đó là công đức mà Đại đức Sivali đã tạo nên. Khi ngài qua đời và được tái sinh trong một đời sống đầy đủ, sung túc, không bao giờ ngài phải chịu đói khổ. Ngay cả khi ngài đi đến những nơi hoang vu, nói khó có thực phẩm, ngài cũng không phải chịu đựng thiếu thốn, vất vả.

Câu chuyện này dạy chúng ta rằng, bất cứ chúng ta có gì, chỉ nên sử dụng một phần ba của cải dó, và hãy cho đi hai phần ba còn lại. Những gì có thể đem cho thú vật, ta cho chúng, những gì có thể chia sẻ với bạn đạo, hãy cúng dường với trái tim trong sáng. Đó là ý nghĩa của việc sử dụng một cách tiết độ. Chúng ta sẽ cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng khi làm được như thế. Khi tái sinh, chúng ta sẽ không phải chịu đói nghèo.

Cách sống này không chỉ làm tốt đẹp cho đạo, mà đối với xã hội nói chung cũng thế. Đó là phương tiện hữu hiệu nhất để chống khủng bố. Khi người ta không còn nghèo khổ, người ta không dễ bị kích động. Nguyên nhân đưa đến khủng bố là gì? Một phần do người ta đói nghèo, không nơi nương tựa, không ai chăm sóc. Khi đó, con người dễ suy nghĩ rằng: “Tôi khổ, thì mọi người khác cũng phải khổ theo…”. Cách suy nghĩ đó là do con người còn nghèo đói và thiếu thốn. Nhưng tại sao họ đói nghèo? Vì còn có những người chỉ biết lo cho bản thân. Họ không biết chia sẻ với đám đông. Do đó số đông nghèo khó sẽ nổi giận, sẽ trở thành khủng bố.

Như thế khủng bố là do lòng tham lam, ích kỷ, không biết chia sẻ những gì ta có. Nếu có mười đồng, chúng ta có thể cho chín, và chỉ dùng đồng tiền còn lại. Được thế, ta sẽ có biết bao bạn bè, sẽ có tình thương, hòa bình và pháp triển. Tại sao? Vì khi con người có đủ ăn, có nơi trú ngụ, có thể an tâm thì tại sao họ lại phải dấn thân vào những đấu tranh phức tạp?

Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy chúng ta tiết độ trong sự hưởng thụ là việc tốt lành, cao thượng, đáng trân quý.

Thứ năm

Đừng làm người lăng xăng. Bất cứ khi nào bạn sống ở đâu, hãy sống tĩnh lặng, an bình. Đừng gây chuyện hay ‘hùa theo’ với những người khác. Đừng dây vào những vấn đề phải tranh cãi, trừ khi đó là việc chẳng đặng đừng. Khi bạn đã tu tập, hiểu được bổn phận của mình rồi, thì hãy tìm nơi vắng vẻ, yên tĩnh để sống, để hành thiền. Nếu sống trong chúng, thì hãy thân cận với các chúng thích tĩnh lặng. Khi sống một mình, ở nơi vắng vẻ, hãy là người trầm lắng. Khi sống trong chúng, hãy là người tĩnh lặng. Chỉ thân cận những gì tốt đẹp, an lành mà chúng bạn đạo có thể mang đến cho bạn. Khi sống một mình, đừng lăng xăng, bận rộn. Hãy trầm lắng trong hành động, lời nói và tâm ý. Khi sống với nhóm – dù hai hay ba người – đừng dây vào những việc tranh cãi, vì ở đâu có tranh cãi, ở đó không có an tĩnh. Hành động của bạn lúc ấy khó thể tự tại, vì bạn phải náo động. Lời nói của bạn sẽ không được êm dịu. Tâm ý của bạn – đầy những ý nghĩ giận hờn, oán trách – thì không thể an bình. Và điều đó sẽ là nguyên nhân dẫn ta đến bao nghiệp xấu. Khi bạn sống trong một cộng đồng – khoảng từ 4 người trở lên – bạn phải biết chắc đó là một cộng đồng hòa hợp, không có tranh chấp, cãi vã, không ai muốn làm tổn thương hay gây đau đớn cho ai. Cộng đồng đó phải hòa hợp để tu tập giới luật và Phật pháp. Một cộng đồng có kỷ luật, văn minh, nhắm đến việc phát triển cho tất cả mọi thành viên. Đó là bổn phận của người con Phật, phải sống theo lời Phật dạy, tạo ra nơi thanh vắng để sống, để thân tâm được an lạc.

Thứ sáu

Đừng dễ duôi. Hãy tinh tấn trong việc hành thiền để đạt được định. Hãy thường xuyên định tâm, hành thiền, để làm gương tốt cho chúng noi theo. Khi tham vấn đạo, hãy tìm những lời dạy làm thế nào để phát triển chủ đề thiền quán. Hãy trao đổi về những lợi ích của việc hành thiền. Thực tập tẩy sạch những uế nhiễm trong tâm. Làm được như thế, là bạn đang đi trên con đường tiến tới trạng thái tâm cao thượng.

Sâu xa hơn nữa là khi tâm đã được giải thoát khỏi mọi chướng ngại, đã vào được định, không còn dao động lên xuống. Tâm đã ổn định, kiên cố, mạnh mẽ, không còn gì có thể làm uế nhiễm nó. Vì thế đừng dễ duôi. Hãy luôn tu hành miên mật.

Khi bạn làm được những điều này, là bạn đã sống theo lời Phật dạy. Đây là những lời dạy từ kim khẩu Phật. Vì thế tất cả chúng ta đều phải cố gắng để thực hành những lời ấy nơi bản thân. Nếu bạn đã thấm nhuần những lời dạy này, bằng tâm chân thật, trọn lành, thì dù bạn chưa thể giải thoát tâm hoàn toàn khỏi khổ đau, thì ít nhất bạn cũng đang tự vun trồng, phát triển tâm theo đúng hướng. Những hành động bất thiện mà bạn chưa có được sẽ phát khởi. Trong khi các tánh thiện bạn đã có, sẽ ngày càng tăng trưởng, nở hoa.

Hãy chiêm nghiệm và thực hành. Hãy rèn luyện bản thân để sống đúng theo lời Phật dạy. Làm được như thế rồi, thì bạn sẽ có hạnh phúc, thịnh vượng, tâm bạn ngày càng tăng trưởng trong giáo pháp.

DIỆU THIÊN LÝ THU MINH
Chuyển dịch

Phatphap.wordpress.com & phatphapdaithua.com & phatphapphothong.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lên đầu trang